Danh mục sản phẩm

Triển vọng của các mô hình trồng ớt chuông ứng dụng công nghệ cao

PHạm Văn Nam
Thứ Năm, 07/09/2023

Đây là mô hình trồng gần 2 sào ớt chuông trong nhà kính của nhà nông trẻ Cao Trọng Nghĩa (24 tuổi) ở tổ dân phố Hòa Lạc, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Từng có thời gian làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Bejo xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, anh Nghĩa được học hỏi nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng nông nghiệp. Được sự ủng hộ của gia đình, nhà nông trẻ Cao Trọng Nghĩa đã dừng công việc tại Công ty và trồng thử nghiệm 1 sào ớt chuông công nghệ cao trên diện tích đất của gia đình. Mặc dù chi phí đầu tư nhà kính ban đầu cao gấp đôi so với trồng ngoài trời, nhưng việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhận thấy, việc trồng ớt chuông không tốn nhiều công chăm sóc, lợi nhuận cũng khá ổn định, nhà nông trẻ Cao Trọng Nghĩa đã mở rộng thêm diện tích đất hơn 700m2 để phát triển kinh tế.

Cùng trồng ớt chuông ứng dụng công nghệ cao với nhà nông trẻ Cao Trọng Nghĩa, anh Đỗ Nhật Khoa ở tổ dân phố Hòa Lạc, thị trấn Đinh Văn sau nhiều năm trồng cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao, anh Đỗ Nhật Khoa đã mạnh dạn chuyển sang trồng 1 sào ớt chuông ứng dụng công nghệ cao với 4.000 cây trên 2.000 bầu giá thể, anh còn áp dụng công nghệ cao vào nhiều loại rau màu khác nhau và vẫn đảm bảo tiêu chí nhàn rỗi. Việc nghiên cứu kỹ về đặc tính cây trồng cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm bón đã giúp cho anh Khoa canh tác an toàn, tiết kiệm. Bình quân với diện tích 1 sào trồng ớt chuông, anh Khoa sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng/1 vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Khoa vẫn lãi hơn 100 triệu đồng, anh dự định sẽ tiếp tục trồng và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Ông K’Bin - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết: Việc áp dụng kinh nghiệm, khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất đã giúp bà con nông dân trên địa bàn thị trấn Đinh Văn mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó mở rộng thêm diện tích trồng rau, hoa để nâng cao đời sống, phát triển sản xuất. Để thực hiện việc nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp đỡ nông dân phát triển kinh tế gắn với ứng dụng công nghệ cao, Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn đã tích cực vận động bà con nông dân tham gia các chương trình, mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới đến bà con nông dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân và được nhiều hộ nông dân đồng tình ủng hộ.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi phương thức canh tác truyền thống, người dân đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, không tốn nhiều công chăm sóc, song vẫn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sẽ mở ra cơ hội cho các nhà nông tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất sẵn có, thành lập các tổ hợp tác ở địa phương và có thể phát triển mới các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Viết bình luận của bạn

Nội dung bài viết