Hướng dẫn kỹ thuật làm mạ dược (mạ ướt) truyền thống cho cây lúa
PHạm Văn Nam
Thứ Năm,
07/09/2023
1. Chuẩn bị đất để gieo mạ
- Trước khi gieo mạ cần vệ sinh sạch cỏ dại và tàn dư thực vật cả trong ruộng và xung quanh ruộng gieo mạ, xử lý hết tàn dư thực vật để ngăn ngừa chuột, sâu bệnh và ốc bươu vàng phá mạ.
- Làm đất "nhuyễn nhừ" bằng cuốc hoặc cày trâu, bò hoặc mày cày, mày bừa. Sau đó san thật bằng phẳng.
2. Bón phân lót
- Tuỳ đất mà sử dụng lượng phân bón lót khác nhau. Có thể bón với lượng gồm 400 kg phân chuồng thật hoai mục, 3-4 kg đạm urê, 20-25 kg supe lân, 2-3 kg kali clorua cho 500 m². Nếu đất chua có thể bón thêm 20-25 kg vôi bột.
- Cách bón lót cho đất gieo mạ:
+ Bước 1: Sau khi làm đất kỹ thì bón 200 kg phân chuồng cho 500 m², bón xong bừa đất lại 1 lượt.
+ Bước 2: Rải đều nốt 200 kg chuồng còn lại cho 500 m² đất. Dùng cào răng dài vùi trộn phân vào đất.
+ Bước 3: Trộn xong phân chuồng vào đất, bón tiếp trên diện tích của 500 m² lượng phân 20-25 kg supe lân, 2-3 kg kali clorua, 3-4 kg đạm urê. Bón xong dùng trang hoặc cây vùi khoả phân vào đất.
3. Lên luống
- Dùng cuốc (hay trang) đánh các đường rãnh để lên luống rộng từ 120-140 cm, rãnh sâu 20 cm, rộng 20-25 cm.
- Sau đó xoa (gạt) cho mặt luống bằng phẳng, không đọng nước để gieo mạ.
4. Gieo mạ
- Mật độ gieo: Gieo 50-60 gam giống/m² (18-22 kg/sào Bắc Bộ 360 m²).
- Lúa thuần: Lượng hạt gieo cho 1 ha ruộng trong vụ Hè thu, vụ Mùa là 40-60 kg (1,5-2,2 kg để cấy cho 360 m²) và vụ Đông Xuân là 60 - 70 kg (2,2-2,5 kg để cấy cho 360 m²).
- Lúa lai: Lượng hạt gieo cho 1 ha ruộng là 24-30 kg (1,0-1,1 kg để cấy cho 360 m²).
- Cách gieo mạ: Khi gieo, tay nghịch mang dụng cụ đựng mống mạ, tay thuận gieo mống mạ đều lên mặt luống đất mạ.
Lưu ý: Chia lượng mống mạ để gieo làm 2 lần. Lần 1 gieo 70% lượng mống mạ, lần 2 gieo bổ sung 30% lượng mống mạ còn lại cho đều.
5. Chăm sóc mạ sau gieo
- Gieo mạ xong cần đậy lưới để chống chuột, chống rầy phá mạ.
- Vụ Đông Xuân ở miền Bắc nếu trời rét thì phải che phủ nilon (màu trắng, trong suốt) để chống rét cho mạ. Làm khung đỡ nilon trên luống mạ bằng cách dùng các nan tre đủ độ cứng, cắm thành những khung hình bán nguyệt trên luống mạ để đỡ nilon khi che phủ. Có thể cắm khung trước hay sau khi gieo mạ đều được. Nếu cắm khung trước, khi cắm khung xong vẫn gieo mạ bình thường ở trên luống mạ đã được cắm khung đó. Sau khi gieo xong, kéo nilon phủ lên khung, trước tiên cố định một đầu nilon trên khung rồi từ từ kéo nilon phủ lên trên khung đã được cắm. Phủ nilon kín khung trên luống mạ, kéo nilon kín hết toàn bộ khung. Sau cùng bịt kín nilon cả hai bên đầu của khung. Khung này có tác dụng che gió rét và ngăn sương muối cho mạ. Mạ được sinh trưởng phát triển ở bên trong khung sẽ không bị hại bởi giá rét và sương muối. Khi phải che phủ nilon để chống rét cho mạ, lúc thực hiện các thao tác để chăm sóc mạ như bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh… cần mở nilon để thực hiện các thao tác chăm sóc, thực hiện xong lại che kín nilon như cũ.
* Khi nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 20 °C, cần phải mở ni lon của một đầu hoặc hai đầu khung che luống mạ ra, chiều tối phải đậy lại. Khi nhiệt độ ngoài trời ≥ 25 °C, cần lật mở nilon sang một bên. Khi nhiệt độ ngoài trời ≥ 25 °C, cũng có thể lật hết nilon che.
* Cứ duy trì khung để mạ sinh trưởng và phát triển ở bên trong khung nilon cho đến khi cấy được. Tuy nhiên đến gần ngày cấy nên mở hết ni lon từ 3-5 ngày để luyện mạ.
- Thường xuyên kiểm tra duy trì độ ẩm cho mạ bằng cách tưới hay dẫn nước vào ruộng mạ.
- Khi mạ có 2-4 lá, bón thúc lượng phân 2-3 kg kali clorua và 2-3 kg urê. Nếu cây mạ đanh dảnh, hơi có màu vàng thì bón thêm 2 kg urê cho 500 m² trước khi nhổ đi cấy từ 2-3 ngày gọi là bón tiễn chân mạ.
- Thời gian giai đoạn mạ rất ngắn nên sâu ít khi kịp phát triển để phá mạ, chính vậy chỉ cần dùng thuốc trừ sâu, rầy để phun phòng trước lúc nhổ mạ. Phun 4 ngày trước khi nhổ mạ để cấy.