Danh mục sản phẩm

Giải pháp phòng và đặc trị bệnh ghẻ sẹo trên cây cam quýt

PHạm Văn Nam
Thứ Sáu, 13/10/2023

1.Nguyên nhân, triệu chứng và đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh ghẻ sẹo do nấm

Bệnh ghẻ sẹo là một trong những loại bệnh gây hại phổ biến tại các vùng trồng cam, chanh, bưởi. Bệnh làm cho lá bị dị dạng, uốn cong và rụng lá, lộc phát triển kém, quả nhỏ biến dạng và dễ bị rụng hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế.

1.1 Triệu chứng bệnh ghẻ sẹo trên cây có múi (do nấm)

Bệnh ghẻ sẹo gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, bệnh thường phát sinh sớm ở các bộ phận còn non như lộc non, lá non, quả non, thân cành nhỏ...

Triệu chứng bệnh ghẻ sẹo cam quýt gây hại trên lá: Bệnh ghẻ sẹo thường có xuất phát điểm từ lá non, lộc non. Trên lá non lúc đầu vết bệnh là các chấm nhỏ li ti có màu vàng trong hơi nổi gờ. Khi gặp điều kiện mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao các vết bệnh phát triển to dần có màu hồng nâu, xung quanh có quầng vàng hẹp, vết bệnh thường nằm riêng rẽ hoặc nối liền nhau có kích thước từ 2-3mm. Đặc trưng cơ bản của bệnh ghẻ sẹo là vết bệnh thường lồi lên trên mặt lá có dạng hình chóp (chóp nhọn giống như mụn ghẻ), mặt dưới lá hơi lõm vào, phiến lá bị biến dạng, co dúm nhăn nheo, lá nhỏ hẹp, kém phát triển, làm giảm hiệu suất quang hợp của cây, cây còi cọc chậm phát triển.

Triệu chứng bệnh ghẻ sẹo cam quýt gây hại trên cành: vết bệnh trên cành thường to hơn trên lá (kích thước từ 3-5mm), các vết bệnh cũng có biểu hiện lồi lên nằm rời rạc hoặc liên kết với nhau làm cho cành khô chết dễ gẫy cành, thúc đẩy quá trình hình thành chồi nách.

Triệu chứng bệnh ghẻ sẹo cam quýt gây hại trên cấu trúc hoa: Bệnh xuất hiện trên bầu hoa, vết bệnh lồi lên có màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nhiều trường hợp có màu đen nâu dạng bất định và làm cho hoa rụng hàng loạt (xảy ra trong điều kiện mưa ẩm kéo dài, gây thối nhũn cánh hoa, suy giảm nghiêm trọng sức sống của nhụy và nhị hoa, làm giảm tỷ lệ đậu quả). Nếu nhà vườn không có biện pháp phòng trị bệnh ngay từ giai đoạn hoa rộ, bệnh sẽ tiếp tục phát triển và lây lan, gây hại trên quả non (thời kỳ quả phát triển).

Triệu chứng bệnh ghẻ sẹo cam quýt gây hại trên quả: Chúng ta có thể thấy triệu chứng của bệnh ghẻ sẹo xuất hiện ngay từ khi quả đạt kích thước từ 0,5 – 1,5cm. Tương tự như trên lá và cành, vết bệnh nổi gờ sần sùi có hình chóp nhọn, sau một thời gian vết bệnh hóa bần khô lại có màu nâu sẫm đến nâu xám. Vết bệnh nằm rải rác hoặc liên kết với nhau thành từng đám. Quả bị bệnh thường phát triển chậm, vỏ dày, méo mó, dị dạng, hầu như không có “nước”, dinh dưỡng trong thịt quả nghèo nàn, quả chất lượng kém.

Lưu ý chung: Cần phân biệt bệnh ghẻ sẹo do nấm với bệnh loét cam do vi khuẩn. Bệnh loét cam vi khuẩn chúng ta thường thấy xung quanh vết bệnh có quầng tròn dạng giọt dầu màu vàng rất rõ (phần giới hạn mô bệnh với mô không bị bệnh có màu vàng tươi hoặc xanh tối, tâm vết bệnh bị khô có màu nâu xám hơi tối), lá bị bệnh loét cam không bị biến dạng, không bị co nhăn như bệnh ghẻ sẹo. Ngoài ra vết bệnh loét cam do vi khuẩn có triệu chứng hơi nổi gờ và biểu hiện ở cả hai mặt lá và vết bệnh cũng không lồi lên dạng chóp như bệnh ghẻ sẹo. Thông thường trong cùng một thời điểm nhà vườn bị nhiễm cả 2 loại bệnh ghẻ sẹo và loét cam do đó trong quá trình trị bệnh cần phối hợp cả 2 loại thuốc có tác dụng trị nấm và vi khuẩn đồng thời (nano bạc đồng super và nano đồng oxyclorua khi kết hợp có khả năng đặc trị cả nấm và khuẩn).

Tại sao các nhà vườn phun rất nhiều loại thuốc hóa học mà không khỏi bệnh triệt để ?

+ Do kháng thuốc (quen thuốc, nhờn thuốc).

+ Do trong cùng một thời điểm xuất hiện cả bệnh ghẻ sẹo và loét cam (cả nấm và khuẩn). Các thuốc trị vi khuẩn kém hiệu quả do đó tạo nên sự cộng hưởng của 2 nhóm nấm khuẩn gây bệnh.

+ Do thời tiết mưa ẩm nhiều, khiến cho hiệu lực của các loại thuốc giảm đáng kể.

1.2 Nguyên nhân gây bệnh ghẻ sẹo trên cây có múi

Bệnh sẹo còn gọi là bệnh ghẻ (ghẻ nhám, ghẻ lồi) do nấm Elsinoe fawcetti gây nên. Nấm gây bệnh sẹo thuộc lớp nấm túi Ascomycetes.

1.3 Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh ghẻ sẹo

Nấm có thể phát triển ở điều kiện nhiệt độ từ 15-28oC. Tuy nhiên nhiệt độ tối thích để nấm phát triển là 22-25oC, tối cao là 28-30oC. Nấm tồn tại trong mô ký chủ, gặp điều kiện thích hợp hình thành bào tử phân sinh, lan truyền nhờ gió và nước. Bào tử phân sinh chỉ nảy mầm trong điều kiện có giọt nước hoặc có độ ẩm cao. Vì vậy thường sau các trận mưa bào tử mới lan truyền xâm nhập vào các mô còn non, quả non, lá non. Nấm gây bệnh bằng cách xâm nhập trực tiếp hoặc qua vết thương hở. Sau khi tràng hoa rụng nấm xâm nhập vào quả non và lộc hạ. Thời kỳ tiềm dục của bệnh kéo dài từ 3-10 ngày, tại các tỉnh miền bắc lộc hè và lộc thu là thời điểm bệnh ghẻ sẹo phát triển mạnh nhất trong năm. Đến mùa đông khô lạnh bệnh ít hoặc ngừng hẳn.

Bệnh ghẻ sẹo phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện: có ký chủ mẫn cảm bệnh, các bộ phận trên mặt đất như lá non, quả non chưa đến giai đoạn thuần thục, có đủ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.

Mức độ nhiễm bệnh của cây có liên quan đến tỷ lệ nước trong mô và tuổi của cây (lá non chứa 75% nước rất dễ nhiễm bệnh). Bệnh hại nặng ở chanh, quýt và nhẹ hơn ở cam, bưởi. Ngoài ra khả năng nhiễm bệnh của cây còn phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc, điều kiện đất đai, tưới tiêu…cây được chăm sóc tốt, dinh dưỡng cân đối sẽ nâng cao sức đề kháng, cây ít nhiễm bệnh.

1.4 Giải pháp phòng trị bệnh ghẻ sẹo trên cây có múi

+ Cắt tỉa vườn thông thoáng, loại bỏ cánh tăm, cành vượt, cành sâu bệnh.

+ Chủ động quản lý sâu hại đặc biệt là sâu vẽ bùa, sâu đục thân, ruồi đục quả…

+ Tăng cường sức đề kháng cho cây thông qua các kỹ thuật bón phân. Khi bón phân cho cây cần đảm bảo yếu tố cân đối và đẩy đủ đặc biệt là các yếu tố dinh dưỡng vi lượng, ưu tiên bón phân hữu cơ vi sinh, cung cấp dinh dưỡng qua lá theo thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây, không để cây thiếu hụt dinh dưỡng đặc biệt là giai đoạn nuôi quả non.

+ Chủ động phòng bệnh trên vườn ươm cây con trước khi trồng đại trà.

+ Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh nên sử dụng các phương pháp phòng bệnh chủ động thông qua các biện pháp chăm sóc kỹ thuật và thực hiện bón phân cân đối đầy đủ. Phun các chế phẩm trị nấm đặc hiệu theo các đợt lộc của cây với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị bệnh do nấm khuẩn gây hại tuy nhiên bà con cần lựa chọn các loại thuốc có hiệu quả cao, không độc hại, không gây kháng thuốc. Một trong những chế phẩm có hiệu quả phòng trị bệnh do nấm và vi khuẩn cao và an toàn đó là chế phẩm nano bạc đồng và chế phẩm nano đồng oxyclorua.

Ngoài ra thời kỳ phát triển quả non, phát triển lộc non nhà vườn nên phun nano Silic theo tỷ lệ 500ml nano Silic pha 300 lít nước (chống xâm nhiễm nấm khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho cây, tăng tính bền vững của thành tế bào, hạn chế tác hại của côn trùng chích hút).

Viết bình luận của bạn

Nội dung bài viết